Dấu hiệu nhận biết chai Gas đủ điều kiện lưu thông trên thị trường

  22/10/2016

Theo thống kê, hiện tại gas giả (hay còn gọi là gas chiết nạp trái phép) đang chiếm khoảng 30% sản lượng trên thị trường gas. Mặc dù Nhà nước đã có những quy định pháp luật về việc đảm bảo an toàn cho mỗi bình gas được tiêu thụ trên thị trường nhưng có không ít các đơn vị kinh doanh lậu vì lợi nhuận bất chính vẫn bất chấp nguy hiểm, thực hiện việc sang chiết trái phép, thu gom vỏ bình gas chính hãng ngoài thị trường để chiết nạp lậu, bơm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng và bán theo giá gas chính hãng…

Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết gas chai đủ điều kiện lưu thông trên thị trường:

I. LOẠI GAS CHAI 12 KG

1. Một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc của thương hiệu, số sản xuất, trọng lượng, ngày kiểm tra, ngày tái kiểm tra trên vỏ chai. Thân bình gas được dập bằng khuôn thép. Sau đó vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực... rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường.
 

Giải thích ảnh minh họa trên:

- Ảnh trái:

SAIGONPETRO: Là thương hiệu

- Ảnh phải:

          + SỐ SẢN XUẤT 07334999: Là mã số (số sêri) của chai gas

          + TRỌNG LƯỢNG 13.8 KG: Là chai không, không có gas nặng 13,8kg

          + KIỂM TRA 12.2011: Thời gian kiểm định lần đầu vào tháng 12 năm 2011 (có thể hiểu là ngày sản xuất).

          + TÁI KIỂM TRA: Thời gian kiểm định lần kế tiếp sẽ được khắc vào 

2. Trên tay xách của mỗi bình gas, tùy công ty có ghi trọng lượng vỏ bình từ 12,5kg-13,9kg. Đối với loại bình gas phổ biến 12kg, tổng trọng lượng cả vỏ bình và gas bên trong sẽ từ 24,5kg đến 25,9 kg. Do vậy, khi mua gas người tiêu dùng yêu cầu nhân viên đưa gas cân bình gas, lấy tổng trọng lượng bình gas trừ đi trọng lượng vỏ ghi ở tay xách sẽ biết số gas có trong bình. Cần cảnh giác khi bình gas nhẹ hơn bình thường

3. Bình gas chính hiệu sẽ có tem chống hàng giả của hãng đó: 

 

(Ảnh minh họa Tem chống giả của Shell Gas và SP Gas)

4. Tất cả các bình gas đều phải được kiểm định bởi cơ quan chức năng. Kiểm định định kỳ chai chứa LPG theo quy định của nhà chế tạo nhưng chu kỳ không quá 5 năm so với lần kiểm định gần nhất. Với các chai đã sử dụng trên 20 năm, thời hạn kiểm định định kỳ không quá 2 năm. Ngày kiểm định gần nhất và thời hạn kiểm định tiếp theo được đóng dấu trên tay xách chai gas.

(Ảnh minh họa đóng dấu kiểm định)

Giải thích ảnh minh họa:

+ 09.2015: Thời gian kiểm định lần kế tiếp

+ SỐ SẢN XUẤT 08014038: Là mã số (số sêri) của chai gas

          + TRỌNG LƯỢNG 13.9 KG: Là chai không (không có gas) nặng 13,9kg

          + KIỂM TRA 5:2005: Thời gian kiểm định lần đầu vào tháng 5 năm 2005 (có thể hiểu là ngày sản xuất).

          + TÁI KIỂM TRA: 09. 10. 15. Trong đó:

09: Là tháng kiểm định

10: Là năm kiểm định

15: Là năm kiểm định lần kế tiếp

Dãy số 09. 10. 15 được hiểu là: Chai gas này được kiểm định vào tháng 9 năm 2010. Lần kiểm định kế tiếp vào tháng 9 năm 2015

Như vậy chai gas này an toàn đến tháng 9 năm 2015.

          5. Nhìn bằng mắt thường chai gas không được có các dấu hiệu sau:

          - Khối lượng vỏ không đọc được hoặc không có;

- Chai có khuyết tật hoặc hư hỏng ở tay cầm hoặc vành chân đai;

- Chai có khuyết tật về vật lý ở thành chai;

- Chai bị ăn mòn nhìn thấy được;

- Chai có vết cháy do hồ quang, hoả hoạn;

- Chai, van hoặc các cơ cấu giảm áp suất (nếu được trang bị) bị rò rỉ hoặc hư hỏng.

II. LOẠI GAS CHAI MINI

Gas chai mini là các chai gas nhỏ chứa khoảng 200 – 250g gas dùng cho các bếp gas xách tay. Trên thị trường hiện đang sử dụng 2 loại chai gas mini:

1. Loại chai có vỏ làm bằng tôn lá mỏng.

Gas chứa trong chai là hỗn hợp gồm 95% Butane và 5% Propane nên còn gọi là chai gas butan. Trong điều kiện bình thường, đủ khối lượng, áp suất khí trong chai gas là 3,2 kG/cm2. Loại chai gas butan chỉ được dùng một lần, không được nạp lại (trên thân bình gas có dòng chữ “Chỉ được sử dụng 1 lần”) 

(Ảnh minh họa: Trên thân chai có dòng chữ: Chỉ được sử dụng 1 lần)

Tuyệt đối không dùng chai gas butan nạp lại nhiều lần. Do chai được sản xuất phù hợp với điều kiện áp suất là 3,2 kG/cm2. Khi sang nạp lại, gas được nạp thường là hỗn hợp Butane và Propane với tỷ lệ gồm 50/ 50 hoặc 40/ 60 hoặc 30/70 thể tích. Với tỷ lệ này áp suất hơi bão hòa của gas trong chai ở nhiệt độ 400C sẽ tăng từ 3,2 kG/cm2 lên 8 hoặc 9 hoặc 10 kG/cm2 vượt quá áp suất làm việc cho phép của chai chứa, gây nguy cơ cháy nổ khi sử dụng. Mặt khác khi sử dụng nhiều lần, vỏ chai gas butan dễ bị rỉ sét, mục … càng làm tăng nguy cơ nổ bình.

2. Loại chai có vỏ dày hơn làm bằng thép Inox.

Loại chai này có thể chịu được áp suất đến 32 kG/cm2. Gas chứa trong chai có thể cùng loại với các chai gas lớn (loại 12 kg). Loại chai gas mini Inox dùng được nhiều lần, được nạp lại tại các nhà cung cấp gas như các chai gas lớn.

 3. Nhìn bằng mắt thường chai gas phải đảm bảo còn mới, nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt,  không bị rỉ sét, còn niêm đầu bình... 

(Ảnh minh họa Gas chai mini mới)

 

Tin tức mới Xem tất cả